Văn phòng Giới sử dụng lao động

Hội thảo ngành Điện tử - Cập nhật các quy định về an toàn vệ sinh lao động

Jun 25 2024 13:00 GMT+7

Trong khuôn khổ Chương trình tư vấn Chuỗi cung ứng ngành điện tử tại Việt Nam (APEV), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo ngành: cải thiện hệ thống đánh giá rủi ro và an toàn sức khỏe nghề nghiệp tại các nhà máy điện tử tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Khánh Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, cán bộ của VCCI, ILO, Chương trình Việc làm tốt hơn Việt Nam (BWV) và hơn 40 các đại biểu là các quản lý, cán bộ phụ trách lĩnh vực tuân thủ, an toàn sức khỏe, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, cán bộ công đoàn tại các nhà máy điện tử.

Việc bảo đảm nơi làm việc an toàn cho người lao động không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật lao động quốc gia, mà còn nhằm hướng tới mang lại môi trường làm việc có hiệu suất cao hơn cho chính doanh nghiệp và sự an toàn cho người lao động. Mục đích hội thảo Tư vấn ngành điện tử với chủ đề Hệ thống Quản lý rủi ro và an toàn sức khỏe nghề nghiệp tập trung giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp về các quy định liên quan tới trách nhiệm xây dựng hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tại nơi làm việc. Hội thảo cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ các thực hành tốt với sự dẫn dắt của chuyên gia nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý mối nguy và rủi ro, nâng cao chất lượng môi trường làm việc tại nhà máy cho người lao động.

Tại hội thảo, chuyên gia từ BLĐTBXH đã có bài trình bày chia sẻ hệ thống quản lý rủi ro về An toàn sức khỏe nghề nghiệp tại nơi làm việc, bao gồm: một số quy định pháp luật, các vấn đề thường gặp tại doanh nghiệp, những lưu ý đối với lao động nữ. Về đặc điểm điều kiên lao động của ngành điện tử, đây là ngành có rủi ro phơi nhiễm với hóa chất độc hại và các yếu tố vật lý khác như tiếng ồn, bức xạ, yếu tố sinh học như bệnh truyền nhiễm do số lượng công nhân đông, các yếu tố ecgonomi. Đối với nhà máy điện tử, việc tuân thủ cần phải chú ý các vấn đề liên quan đến quy định về thông tin, tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ, huấn luyện chuyên môn y tế lao động,kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, quan trắc môi trường lao động , quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động, các quy định đối với nhà xưởng, kho chứa, yêu cầu đối với công nghệ, thiết bị, dụng cụ, bao bì, quy định bảo quản, vận chuyển, san chiết, đóng gói…

Đại diện Chương trình BWV cũng chia sẻ về một số ghi nhận về việc quản lý và tuân thủ công tác an toàn vệ sinh lao động cũng như chính sách về an toàn vệ sinh lao động tại 1 số doanh nghiệp hiện nay.

Các doanh nghiệp cũng chia sẻ một số thực hành tốt tại doanh nghiệp mình trong việc quản lý mối nguy và rủi ro an toàn tại nơi làm việc.

Nhìn chung các đại biểu đánh giá cao về chất lượng của hội thảo. Một số nội dung liên quan đến chủ đề hội thảo mà doanh nghiệp muốn được tiếp tục trao đổi, tập huấn trong thời gian sắp tới bao gồm: đánh giá hiệu quả và cải thiện hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp, tư thế lao động, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của lao động nữ, bệnh nghề nghiệp ,phân loại và quản lý lao động, nâng cao nhận thức và sự hợp tác của người lao động đối với công tác ATVSLĐ.

Văn phòng Giới sử dụng lao động

Trang 1 trong tổng số 7 trang (74 tin)