Ngày 23-25/11/2017 tại Đà Nẵng, Văn phòng giới sử dụng lao động (BEA)/ VCCI phối hợp với Dự án An toàn và sức khỏe cho Lao động trẻ (SY@W) của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) tổ chức lớp tập huấn Giảng viên nguồn về An toàn vệ sinh lao động.
Theo ước tính của ILO, mỗi năm có 2,3 triệu người tử vong trong khi làm việc do bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. Hàng năm có 317 triệu vụ tai nạn xảy ra hàng năm tại nơi làm việc, rất nhiều trong số đó khiến người lao động phải nghỉ việc dài ngày. Chi phí về mặt con người là rất lớn và gánh nặng kinh tế của việc mất an toàn lao động và chăm sóc sức khoẻ ước tính chiếm khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu hàng năm. Người lao động phải chịu hậu quả lớn nhất, bao gồm mất mát, đau đớn về mặt thể chất, mất thu nhập và mất khả năng lao động. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp không may này có thể ngăn ngừa được nếu thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, báo cáo và giáo dục.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm xảy ra khoảng hơn 7.000 trường hợp tai nạn lao động. Trong đó, xây dựng là một trong những ngành có nguy cơ cao gây tai nạn lao động cao nhất cả nước. Các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra trong lĩnh vực xây dựng chủ yếu liên quan đến quá trình sử dụng điện, ngã cao, các yếu tố liên quan đến quá trình mang vác và vận chuyển vật liệu, tiếp xúc vật liệu công nghiệp… Bên cạnh đó sự thiếu hiểu biết của lao động phổ thông trong xây dựng về An toàn vệ sinh lao động, thiếu các kỹ năng về đánh giá, phát hiện rủi ro và tư tưởng chủ quan cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tỉ lệ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao trong ngành này.
Toàn cảnh khoá tập huấn
Luật An toàn vệ sinh lao động ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Lần đầu tiên Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh ra đối tượng phi kết cấu. Để đảm bảo việc tuân thủ Luật An toàn vệ sinh lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thấy cần thiết phải xây dựng một đội ngũ giảng viên nguồn có kiến thức và kĩ năng về An toàn vệ sinh lao động và đánh giá rủi ro tại nơi làm việc để họ tổ chức các hoạt động tuyên truyền huấn luyện cho doanh nghiệp, người lao động tại các công trường xây dựng. Đây là một việc làm quan trọng nhằm xây dựng văn hóa phòng ngừa tại nơi làm việc.
Thông qua đào tạo, các học viên được: cung cấp các kiến thức về yêu cầu của Luật An toàn vệ sinh lao động, đánh giá rủi ro và cách thức hoạt động của ban, an toàn vệ sinh lao động chung tại nơi làm việc nhằm chuyển tải tới các doanh nghiệp sau này; cung cấp các kiến thức và phương pháp để lồng ghép An toàn vệ sinh lao động vào các tập huấn của doanh nghiệp xây dựng tại cấp địa phương; hiểu thêm về vai trò của đại diện người sử dụng lao động và người sử dụng lao động trong việc đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc; học về cách đánh giá rủi ro tại nơi làm việc và hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện và kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc.
Doãn Giang