Ngày 18 -19/4/2018, tại Hoà Bình, Văn phòng Giới sử dụng lao động (BEA) phối hợp với Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) tổ chức hội thảo về truyền thông mạng xã hội.
Tính đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội có tác động to lớn đến mọi đối tượng. Năm 2017, mạng xã hội tiếp tục bùng nổ với thêm 2.7 tỷ người dùng, trong đó hơn 1.9 tỷ người dùng mạng xã hội trên di động. Theo khảo sát 8/10 người làm marketing đã tận dụng ưu thế mạng xã hội để tạo đột phá về doanh thu và nâng cao uy tín doanh nghiệp. Những con số chi tiết trên chính là minh chứng hoàn hảo khẳng định vai trò không thể thiếu của mạng xã hội trong thị trường đầy cạnh tranh.
Lâu nay, chuyện cử nhân, thạc sỹ, kỹ sư thất nghiệp phải cất bằng đại học để đi học nghề kiếm kế sinh nhai là điều mà xã hội đang trăn trở. Phải chăng đây là hệ lụy của tư duy “phổ cập” đại học nên thừa thầy, thiếu thợ… Sâu xa hơn cả, đó là khâu định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) ngay từ đầu các cấp học, đầu năm học còn chưa đáp ứng đúng nhu cầu. Chính vì vậy, cần phải có chiến dịch truyền thông về Giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Các đại biểu chụp ảnh tại hội thảo
Chương trình tập huấn VCCI – NHO về truyền thông mạng xã hội hướng tới các mục tiêu làm thế nào để thay đổi hình ảnh của GDNN, hướng dẫn cách tạo ra một chiến dịch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp có hiệu quả bền vững, thiết thực.
Chọn đúng nghề - bài toán thật sự quan trọng mà mỗi người đều cần phải tìm ra cho mình đáp án. Đáp án đúng, cuộc đời sẽ nở hoa. Đáp án sai, chúng ta buộc phải làm lại từ đầu, mà cuộc sống này đôi khi không cho mình cơ hội. Do vậy, chọn đúng nghề ngay từ đầu là điều cần thiết mà một HS chuẩn bị rời ghế nhà trường cần phải trang bị cho mình và xem đó như một kỹ năng. Câu hỏi “định hướng nghề nghiệp như thế nào là phù hợp với con em mình?” lại được đặt ra và câu hỏi này luôn là bài toán thật sự nan giải từ năm này qua năm khác.
Với kinh nghiệm dày dặn của các chuyên gia đến từ Na Uy, việc truyền thông mạng xã hội đối với GDNN là rất quan trọng. Theo khảo sát của NHO khi hỏi các bậc phụ huynh về tư vấn nghề nghiệp cho con cái mình. Phần lớn họ đều cảm thấy rằng con cái họ lắng nghe ý kiến của họ và họ cũng khẳng định rằng bản thân không đủ hiểu biết và không thể lựa chọn giữa hơn 150 ngành nghề cho con mình. Chính vì vậy truyền thông mạng xã hội về GDNN đem lại những tri thức, hiểu biết rõ ràng hơn về các lựa chọn ngành nghề.
Bà Ingeborg Marie Ostby Laukvik phát biểu tại chương trình
Theo bà Ingeborg Marie Ostby Laukvik chuyên gia NHO cho rằng truyền thông mạng xã hội về GDNN nhằm xây dựng hình ảnh tốt về các nghề nghiệp, thu hút quan tâm của học sinh; đồng thời tư vấn, hỗ trợ cho mẹ đưa ra quyết định cho con đi học nghề bằng những thông điệp đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Truyền thông mạng xã hội giúp các phụ huynh có kiến thức về nhiều ngành nghề hơn, các học sinh có cơ hội chọn đúng ngành nghề yêu thích để có thể làm việc hiệu quả.