Ấn phẩm

Tài liệu hướng dẫn thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động tại doanh nghiệp

Aug 21 2023 13:00 GMT+7

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách pháp luật về bình đẳng giới tại nơi làm việc nhằm bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của người lao động. Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt” và “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Đảm bảo BĐG trong lao động không những là nguồn động viên to lớn đối với người lao động, mà còn là phương thức góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Liên quan đến việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và việc làm Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. 2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi…”.
Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đã có những thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận về bình đẳng giới tại nơi làm việc từ “bảo vệ lao động nữ” sang “bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền (empowerment) cho người lao động”. Do đó, đã góp phần:

  1. Bảo đảm bình đẳng giới tại nơi làm việc;
  2. Tăng quyền năng, tạo thêm cơ hội lựa chọn và quyết định cho NLĐ trong lao động-việc làm;
  3. Bảo vệ thai sản;
  4. Phòng chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Qua đó, khẳng định quyền bình đẳng của mỗi người lao động trong phát triển nghề nghiệp cũng như vị thế việc làm.
Bảo đảm bình đẳng giới một cách thực chất tại nơi làm việc cần được thực thi hiệu quả. Bởi, đó là một nội dung quan trọng trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản và đó cũng là quy định pháp luật về lao động của Việt Nam. Đồng thời, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Mặt khác, tại những doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo đảm bình đẳng giới, thì nhiều trường hợp uy tín, hình ảnh của DN sẽ bị ảnh hưởng. DN cũng có thể sẽ mất đi nguồn nhân lực mà họ đã dày công đào tạo với kỹ năng và tay nghề tốt… Đồng thời, DN cũng sẽ bị tăng các chi phí liên quan đến thời gian, công sức, tiền bạc để giải quyết những khiếu nại, tố cáo về/ hoặc liên quan đến bình đẳng giới. Do đó, các DN cần cam kết mạnh mẽ và triển khai các giải pháp để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và hiệu quả tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, nhiều người sử dụng lao động còn chưa nhận thức và hiểu rõ các quy định pháp luật về bình đẳng giới; còn người lao động hầu như không biết và hiểu được quyền, trách nhiệm của mình đối với vấn đề bình đẳng giới, nên dẫn đến quá trình thực thi bảo đảm bình đẳng giới chưa đạt hiệu quả cao.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện bảo đảm bình đẳng giới tại nơi làm việc có hiệu quả, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với sự hỗ trợ của Dự án “Thúc đẩy tuân thủ và đối thoại trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam” thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chủ trì xây dựng cuốn Tài liệu “Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động”, với mục tiêu giúp NSDLĐ và những chủ thể có liên quan thực hiện hiệu quả việc bảo đảm bình đẳng giới tại nơi làm việc, hướng tới xây dựng môi trường làm việc hài hòa, bình đẳng và thân thiện.

Tải Ấn phẩm TẠI ĐÂY
 

Trang 1 trong tổng số 4 trang (39 tin)