Văn phòng Giới sử dụng lao động

Cách mạng công nghiệp 4.0 và thị trường lao động Việt Nam như thế nào

Doãn Giang Mar 27 2018 12:00AM GMT + 7

Tại Việt Nam, nhiều chính sách được ban hành nhằm tăng cường tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Đó là nhận định của ông Trần Chí Dũng – Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động trong buổi toạ đàm Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động tới thị trường lao động Việt Nam do Văn phòng Giới sử dụng lao động (BEA) thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam (Omega Plus) và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM (SCIS) phối hợp tổ chức ngày 27- 03 – 2018 tại Hà Nội.


 

Toàn cảnh buổi toạ đàm

Theo ông Dũng, cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu đầu tiên là đổi mới công nghệ. Theo xu thế chung, ở Việt Nam sẽ có làn sóng đổi mới công nghệ từ doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0. Điều này dẫn đến,nhu cầu việc làm công nghệ cao là vô cùng lớn; đồng thời nguồn cung lao động phổ thông cũng giảm mạnh.

Hòa cùng làn sóng 4.0, lực lượng lao động của Việt Nam đang, hình thành các nhóm rõ rệt. Trong đó, lao động trẻ được đào tạo trong các nhà trường có thể hướng tới chuẩn mực 4.0 là thách thức lớn cho ngành giáo dục và đào tạo.

 

Ông Trần Chí Dũng – Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động

 phát biểu tại toạ đàm

Theo báo cáo gần đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra để đo lường các yếu tố, điều kiện cần thiết chuyển đổi sản xuất, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi sản xuất của 100 quốc gia trên thế giới, Việt Nam có các yếu tố đổi mới sáng tạo công nghệ, giáo dục, chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở mức thấp.

Hiện có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc các lĩnh vực gia công, lắp ráp, chủ yếu sử dụng lao động là trình độ thấp. Thực tế, phần nhiều doanh nghiệp Việt đang trong giai đoạn sử dụng công nghệ 2.0, một số đang ở trong giai đoạn giữa 2.0 và 3.0.

Có 95% doanh nghiệp Việt Nam dùng Internet nhưng 60% trong số đó gặp khó khăn khi ứng dụng Internet vào các hoạt động. Bất cập hiện nay của các doanh nghiệp là không đủ khả năng số hóa, ứng dụng dữ liệu lớn vào phân tích, thiết kế, sâu chuỗi thành những chuỗi giá trị. 

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu thống nhất: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, rộng khắp trên mọi lĩnh vực. Sự xuất hiện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tạo ra các chuyển biến mới trên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Các quốc gia phát triển đã tận dụng ưu thế về công nghệ và vốn để dẫn dắt những thay đổi này. Các nước đang phát triển đang đứng trước thách thức làm thế nào thích ứng với sự thay đổi mang tính bước ngoặt này

 

Ông Phạm Quang Ngọc, chuyên gia kinh tế và thị trường lao động Việt Nam

 

Theo ông Phạm Quang Ngọc, chuyên gia kinh tế và thị trường lao động Việt Nam cho rằng: “Các nhà máy ngày nay dường như hoang vắng, trong khi các văn phòng lại có đầy đủ các nhà thiết kế, chuyên gia về IT, các kế toán viên, quản lý quan hệ khách hàng,…và ngoài cửa, là các nhà cung cấp cho việc sản xuất.”

 


Bà Đặng Hải Hà Thạc sỹ đại học Cornell

 

Bà Đặng Hải Hà Thạc sỹ đại học Cornell– Đồng sáng lập WE@WORK/WEE nhấn mạnh về mối quan hệ giữa việc làm truyền thống (JOB) và việc làm phi truyền thống (GIG), đồng thời đưa ra các quan điểm về Blockchain quản lý mối quan hệ phức tạp nhất đó là xung đột lợi ích tại nơi làm việc.

 

 

Tiến sĩ Lê Anh Vinh - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Thống nhất với quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Anh Vinh - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam- Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đến năm 2030, hầu hết các nước trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhất là những lao động có tay nghề cao.

Người lao động trong tương lai cần kết hợp được nhiều yếu tố: giao tiếp đa phương tiện, trách nhiệm xã hội, tính đa ngành và liên ngành, trí tuệ nhân tạo và máy móc điện tử, kết nối quốc tế, phát triển bền vững ...

Trước yêu cầu mới này, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục để nâng cao khả năng cho lao động, trong đó việc đào tạo cần tập trung giúp cho trẻ yêu thích và học cách học, biết giao tiếp và cộng tác, xử lý những vấn đề phức tạp, có tư duy cởi mở./.

Doãn Giang

Trang 1 trong tổng số 6 trang (72 tin)