“ Trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới và việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động đòi hỏi cần phải có mô hình quan hệ lao động thích hợp và việc ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.”
Đó là nhận định của Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc thực hiện Dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may ở Việt Nam ngày 10/7/2018 với sự tham gia của VCCI, Tổng Liên đoàn LĐVN và Tổ chức Công đoàn Hà Lan CNV tại Hà Nội.
Các đại biểu tại lễ ký kết
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và giữa các quốc gia gia tăng cao, doanh nghiệp buộc phải tìm mọi biện pháp để cắt giảm chi phí, trong đó có chi phí lao động, giảm việc làm đã tác động trực tiếp đến quan hệ lao động.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, trong thời gian vừa qua tình hình quan hệ lao động đã được cải thiện, nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về quan hệ lao động đã có chuyển biến căn bản. Đã hình thành một số mô hình điểm trong thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp, cấp ngành, chất lượng của các thỏa ước lao động được nâng lên. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong việc xác định nội dung đối thoại, tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo đúng trình tự, thủ tục quy định vẫn còn thấp. Vai trò của tổ chức đại diện tập thể người lao động chưa thực sự phát huy dẫn đến việc xây dựng, ban hành thỏa ước lao động tập thể mang tính hình thức. Việc thương lượng và ký kết trong thỏa ước lao động tập thể về tiền lương, phụ cấp lương còn rất hạn chế. Nội dung chủ yếu của thỏa ước lao động tập thể là về phúc lợi xã hội như chế độ thăm hỏi, ốm đau đối với người lao động, tiền thưởng Lễ, Tết...
Ông Willem Jelle Berg, Thành viên Hội đồng Quản trị CNV International phát biểu tại buổi lễ
Trong thời gian qua, VCCI đã triển khai và hỗ trợ các hiệp hội, hội đồng người sử dụng lao động cấp tỉnh, thành phố và một số khu công nghiệp, triển khai các hoạt động thúc đẩy việc đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, đối thoại xã hội tại doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể ở cấp doanh nghiệp và thí điểm ở cấp ngành/nhóm doanh nghiệp.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc thực hiện Dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may ở Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện hơn nữa mối quan hệ lao động tại nơi làm việc. Thông qua đó thể hiện sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan đối tác ba bên ở cấp Trung ương và cấp cơ sở. Từ đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, giảm tranh chấp lao động, thông qua việc thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể trong các ngành nghề ở Việt Nam đặc biệt là ngành dệt may.
Doãn Giang