Điện tử

Tọa đàm: Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử thông qua tăng cường chất lượng việc làm

Doãn Giang May 14 2018 12:00AM GMT + 7

Ngày 10 tháng 5 năm 2018, Văn phòng Giới sử dụng lao động ( BEA/VCCI) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội tổ chức Toạ đàm "Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử thông qua tăng cường chất lượng việc làm".


Điện tử là hiện là ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc thù của ngành do các doanh nghiệp nước ngoài chi phối, chủ yếu là ở các công đoạn lắp ráp thâm dụng lao động. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn 12 thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN. Ngành điện tử Việt nam đang thu hút trên 500.000 lao động, trong đó khoảng 70% là lao động nữ và trên 85% lao động có độ tuổi dưới 35. Sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.



Đại diện Canon Việt Nam chia sẻ về kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo chất lượng việc làm

 

Trong những năm qua, làn sóng công nghệ mới đã và đang có những tác động nhanh và mạnh đến các doanh nghiệp trong ngành điện tử trên nhiều phương diện như đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, thu hút nhân lực chất lượng cao, qua đó có những ảnh hưởng nhất định đến người lao động. Bên cạnh đầu tư và phát triển sản phẩm, thì việc cả thiện số lượng và chất lượng việc làm thông qua các phương thực thực hành kinh doanh và lao động có trách nhiệm xã hội trong ngành Điện tử ở Việt Nam là vấn đề cần quan tâm.



Các đại biểu tham gia thảo luận tại buổi toạ đàm

Mức độ cạnh tranh để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng mạnh mẽ dẫn tới một số doanh nghiệp điện tử sẽ có các biện pháp cắt giảm chi phí làm ảnh hưởng đến điều kiện lao động. Các chiến lược để sống sót theo kiểu “cuộc chạy đua xuống đáy” như vậy về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực hoạt động của doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển của quốc gia, ảnh hưởng xấu đến uy tín doanh nghiệp của các nhà điều phối hàng đầu trong các mạng lưới sản xuất, và làm phương hại đến năng lực hoạt động kinh doanh nói chung, và vô hình chung sẽ có tác dụng ngược đối với những doanh nghiệp đang mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng này.



Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại toạ đàm

 

Trong thời gian qua, VCCI đã hợp tác Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam với sự hỗ trợ của ILO và chính phủ Nhật Bản, thành lập Liên minh các doanh nghiệp ngành điện tử thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực lao động tại Việt Nam. Đây là một trong những sáng kiến mà VCCI đưa ra nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra một diễn đàn để các doanh nghiệp đa quốc gia cũng như những doanh nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử tại Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và hợp tác cùng có lợi để cùng nhau xây dựng thực hành lao động có trách nhiệm hơn, tạo ra nhiều việc làm và việc làm bền vững hơn cho ngành điện tử Việt Nam.Hiện nay các doanh nghiệp điện tử Việt nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực để có thể tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó đối thoại đa bên thông qua các diễn đàn của Liên minh sẽ giúp các bên cùng nhau thảo luận và đồng thời lắng nghe các ý kiến đề xuất từ phía cộng đồng doanh nghiệp điện tử để chúng tôi có thể đề xuất những giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều kênh khác nhau, từ tham vấn chính sách để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp, cho tới các hoạt động cụ thể như  nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp, tạo các diễn đàn và cơ hội để doanh nghiệp trao đổi và học hỏi lẫn nhau, v.v…



Các đại biểu tham gia thảo luận rất sôi nổi tại buổi toạ đàm

 

Cuộc tọa đàm ngày 10 tháng 5 cũng như khóa tập huấn diễn ra vào 11 tháng 5 là những hoạt động diễn ra trong khuôn khổ diễn đàn của Liên minh. Tọa đàm đã được các bên liên quan như Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, các doanh nghiệp điện tử tại Bắc Ninh, các hiệp hội doanh nghiệp, Tổ chức ILO, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh Xã hội và các Sở Ban ngành Bắc Ninh hết sức quan tâm và hỗ trợ. Dự kiến các hoạt động của Liên minh sẽ tiếp tục rộng rãi hơn trên toàn quốc. 

Doãn Giang

Tin khác

Trang 1 trong tổng số 3 trang (31 tin)