Dự kiến "về đích" năm 2024 với 44 tỷ USD, ngành dệt may lạc quan kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 47 - 48 tỷ USD.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết năm 2024, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Dự kiến dệt may sẽ "về đích" năm 2024 với 44 tỷ USD.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tháng 10/2024 ước đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng trước và 24,26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 10 tháng 2024 ước đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so cùng kỳ 2023, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 28,38 tỷ USD, tăng 10,54%; kim ngạch xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,66 tỷ USD, tăng 0,47%; kim ngạch xuất khẩu vải ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 11,12%... Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam 10 tháng 2024 ước đạt 20,61 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ 2023.
Do đó, VITAS nhận định kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỉ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỉ USD, tăng 14,79%. Như vậy, ngành dệt may xuất siêu 19 tỉ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, VITAS cho hay, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhật Bản đứng thứ hai với kim ngạch ước đạt 4,57 tỉ USD, tăng 6,18%, chiếm tỉ trọng 10,39%. Sau đó là EU ước đạt 4,3 tỉ USD; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỉ USD; Trung Quốc 3,65 tỉ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3%; ASEAN ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,84%, chiếm tỷ trọng 6,59%.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết: "25 năm qua, ngành dệt may đã đạt được nhiều dấu mốc phát triển ấn tượng. Từ chỗ ngành dệt may chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé so với Thái Lan, Indonesia, Philippine… đến nay đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.”
Về thị trường trong nước 25 năm qua cũng tăng từ trên 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD. Thặng dự thương mại năm 2024 đạt 19 tỷ USD tăng 108,6 lần so với 175 triệu USD của năm 1999. Với lực lượng lao động trên 3 triệu người, dệt may là ngành thu dụng lao động lớn nhất trong các ngành kinh tế cả nước, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, các địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, Chủ tịch VITAS cho biết ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031 - 2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc xanh hóa dệt may vẫn còn một số cơ chế đang làm tắc nghẽn trong dòng tín dụng xanh.
Trong đó, việc xanh hóa dệt may vẫn còn một số cơ chế đang làm tắc nghẽn trong dòng tín dụng xanh. Do đó đề xuất thuê các tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ để tăng khả năng cạnh tranh.
Ông Giang nhấn mạnh, các doanh nghiệp dệt may phải xác định rõ lộ trình thực hiện xanh hóa, sử dụng bao nhiêu năng lượng, thải ra bao nhiêu chất thải, khí thải carbon… Từ đó đưa ra chiến lược phù hợp với khả năng, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, triển khai hiệu quả giải pháp chuyển đổi kép, để xây dựng một thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững.
"Hiện các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại và triển khai các giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường. Vì vậy, tôi tin năm 2025 ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD... là khả quan", ông Nguyễn Đức Giang dự báo.
Thy Hằng
https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-det-may-lac-quan-can-moc-48-ty-usd-nam-2025-10145890.html