Văn phòng Giới sử dụng lao động

Hội thảo ngành Điện tử - Cơ chế khiếu nại

Jun 27 2024 13:00 GMT+7

Trong khuôn khổ Chương trình tư vấn Chuỗi cung ứng ngành điện tử tại Việt Nam (APEV), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo ngành: cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tại nơi làm việctại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Hồng, Giảng viên Đại học Lao động – Xã hội, giảng viên chương trình Better Work Việt Nam, cán bộ của VCCI, ILO,  Chương trình Việc làm tốt hơn Việt Nam (BWV) và hơn 50 đại biểu là các quản lý, cán bộ phụ trách lĩnh vực tuân thủ, quan hệ lao động, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, cán bộ công đoàn.

Hội thảo nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp hiểu rõ các quy định về cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tại nơi làm việc, từ đó giúp các doanh nghiệp theo dõi và đánh giá tính hiệu quả của các chính sách và quy định thực hiện nội dung hướng tới lợi ích của người lao động, cải thiện quan hệ việc làm với người lao động, khuyến khích người lao động làm việc đạt năng suất cao hơn.

Cơ chế khiếu nại ở cấp độ nhà máy là một phần quan trọng của việc Thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng, trong đó giải quyết các tác động bất lợi cho người lao động thông qua việc khắc phục và cung cấp cái nhìn sâu sắc về nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề. Với việc ngày càng nhiều các quy định liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm (Đạo luật chuỗi cung ứng của Đức, Chỉ thị bền vững của doanh nghiệp EU, Hướng dẫn của Nhật Bản, v.v.) bao gồm các yêu cầu của các nhãn hàng đối với nhà cung cấp, việc đảm bảo vận hành hiệu quả cơ chế khiếu nại trong chuỗi cung ứng càng ngày càng được ưu tiên.

Cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tốt mang lợi ích đối với cấp quản lý bao gồm xác định rủi ro, hệ thống cảnh báo sớm, cải thiện tinh thần lực lượng lao động, Xây dựng hình ảnh tốt với các nhà đầu tư và khách hàng rằng các vấn đề được giải quyết và không ảnh hưởng đến uy tín và đối với người lao động và công đoàn thì đây là nơi an toàn để bày tỏ lo ngại, giúp người lao động hiểu rõ hơn về chính sách, giải quyết vấn đề cá nhân /tập thể dựa trên quyền, cảm giác được tôn trọng /lắng nghe, dẫn tới môi trường làm việc ổn định và gia tăng sự gắn bó với doanh nghiệp.

Quy trình giải quyết khiếu nại gồm 3 bước cơ bản: tiếp nhận (thông qua chính sách tiếp nhận ý kiến, hòm thư khiếu nại, đường dây nóng , các ứng dụng…), điều tra và giải pháp (quy định trách nhiệm các bên liên quan như quản lý nhân sự, người chuyên trách, sự tham gia của công đoàn..), đánh giá và cải tiến (lưu trữ và giám sát hồ sợ, xác định xu hướng và hành động). 50% số đại biểu tham dự hội thảo xác nhận doanh nghiệp đã có quy trình giải quyết khiếu nại tuy nhiên còn cần nhiều cải thiện để nâng cao tính hiệu quả của quá trình này.

Các đại biểu chia sẻ 1 số thực hành tốt về việc thực hiện cơ chế khiếu nại tại nơi làm việc bao gồm việc đào tạo kỹ năng, quy trình quy định công ty để khiếu nại đúng đắn, việc thực hiện quy trình tại nơi làm việc.

Đại diện của Betterwork Vietnam chia sẻ một số thực hành của ngành may liên quan đến vấn đề này. Tại ngành may mặc người lao động có xu hướng khiếu nại chủ yếu về các vấn đề bao gồm lương thưởng phúc lợi, thời gian làm việc, vấn đề tập thể, thông tin tuyên truyền, hành vi đối xử, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, thực phẩm, đi lại và các vấn đề cá nhân. Khi nhận đươc khiếu nại các nhà máy tham gia chương trình BW sẽ xác định cấp độ khiếu nại (khiếu nại, phàn nàn,hay mối quan tâm), từ đó phân loại và phân công trách nhiệm giải quyết khiếu nại, và cuối cùng lưu trữ thống kê lại các trường hợp khiếu nại theo kênh.

Các đại biểu đánh giá cao về hội thảo, trong đó 100% đánh giá hội thảo được điều hành tốt, 85.7% đánh giá nội dung tài liệu phù hợp, 92.9% đánh giá diễn giả có kiến thức chuyên môn phù hợp với chủ đề, nhìn chung 96.5% đại biểu hài long với chất lượng tổng thể của hội thảo. Một số nội dung liên quan đến chủ đề mà doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được trao đổi, tập huấn trong thời gian sắp tới bao gồm: cách tự đánh giá hiệu quả của hệ thống khiếu nại của doanh nghiệp, kỹ năng cần thiết dành cho cán bộ chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, giải quyết khiếu nại một cách có hệ thống, thực hành xử lý các tình huống khó trong giải quyết khiếu nại.

Văn phòng Giới sử dụng lao động

Trang 1 trong tổng số 7 trang (74 tin)