Thủy sản

Tôm Việt lại "dính" khởi kiện, doanh nghiệp phải làm gì?

Nov 2 2023 13:00 GMT+7

DIENDANDOANHNGHIEP.VN Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ (ASPA) mới đây đã khởi kiện chống trợ cấp (CVD) với tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến Thủy sản Mỹ (ASPA) mới đây đã nộp đơn lên Bộ Thương mại (DOC) khởi kiện chống bán phá giá với tôm từ Ecuador và Indonesia, đồng thời cũng khởi kiện chống trợ cấp (CVD) với tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. 

Hiệp hội Chế biến Thủy sản Mỹ (ASPA) đã nộp đơn lên Bộ Thương mại (DOC) khởi kiện chống trợ cấp (CVD) với tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam..

Quyết định có khởi xướng điều tra hay không sẽ được đưa ra trước ngày 15/11. Với vụ kiện này, 6 nước xuất khẩu tôm hàng đầu trên thế giới đều vướng vụ kiện chống bán phá giá ở Mỹ. ASPA ước tính biên độ bán phá giá của Ecuador lên tới 111% trong khi biên độ phá giá của Indonesia lên tới 37%.

Về vấn đề này, cách đây khoảng 8 năm, nguyên đơn vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt là Liên minh tôm miền Nam Hoa Kỳ (SSA) và ASPA đã từng kiện chống bán phá giá đối với tôm Việt. Kết quả là các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chứng minh hoạt động ngành tôm Việt là sự chủ động của các chủ thể tham gia. Chính phủ chỉ hỗ trợ định hướng, chiến lược, chủ trương, cơ sở hạ tầng… và phía cơ quan chức năng Hoa Kỳ kết luận là tôm Việt không hưởng trợ cấp, nên vụ kiện bị hủy.

Hiện nay, tôm Ấn Độ và tôm Việt vẫn còn bị thuế chống bán phá giá với vụ kiện của nguyên đơn từ cuối năm 2003 kéo dài đến nay, tuy nhiên mức thuế của các doanh nghiệp tôm Việt là 0% và của Ấn Độ là 3,88%. Cũng tại thời điểm này, tôm Ấn Độ chiếm thị phần cao nhất tại Hoa Kỳ, khoảng 37%, tôm Ecuador vươn lên thứ nhì, trên 20%, tôm Việt Nam khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 8%.

Lý do tôm Việt không thể có thị phần cao hơn là tôm từ 3 nước trên có giá bán rất thấp, và tôm Việt bám được thị trường này nhờ vào các sản phẩm chế biến hàng giá trị gia tăng cao tiêu thụ vào các hệ thống lớn, cấp cao. Tình hình này là lý do tại sao các luật sư của nguyên đơn (ASPA) đã tạm tính thuế chống bán phá giá tôm từ Ecuador tới 111% và tôm Indonesia là 37%.

Trong tháng 11 này các cơ quan chức năng Hoa Kỳ sẽ xem xét, kết luận là vụ kiện từ ASPA nêu trên được tiến hành hay không. Tình hình chung cho thấy ngành tôm Hoa Kỳ từ đánh bắt, chế biến đều đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu từ giá tiêu thụ giảm quá nhiều. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhìn nhận theo lý lẽ, vụ kiện sẽ xảy ra và ngành tôm Việt sẽ bị tác động thuận, nghịch ra sao để cuối cùng thì lợi hay hại nhiều hơn.

Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9 – đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương.

Lần này, điểm tập trung được đánh giá là xem xét tác động từ vụ kiện bán phá giá, nếu xảy ra. Mức thuế chống bán phá giá cho tôm Ecuador và Indonesia sẽ được DOC công bố tạm tính, ít ra ở nửa cuối năm sau. Mức thuế này là bao nhiêu, còn phụ thuộc vào sự chứng minh của hai bên lên DOC.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta, nếu có góc nhìn tích cực thì sự việc trên không chỉ là áp lực mà còn là động lực cho sự nỗ lực vươn tầm của tôm Việt.

Tuy nhiên, mặt khác đây cũng là áp lực khi hàng trăm nghìn tấn tôm Ecuador và Indonesia nếu không bán vào Mỹ, các doanh nghiệp sẽ tìm đến các thị trường còn lại. Hiện tại, tôm sơ chế (nguyên con hoặc bỏ đầu cấp đông dạng block) Ecuador dẫn đầu tại thị trường EU và Trung Quốc. Các nước Nam Âu rất chuộng tôm Ecuador. 

Tôm Indonesia đứng thứ hai ở Nhật Bản sau Việt Nam. Theo lý thuyết, để chuyển đổi thị trường nhanh nhất, các doanh nghiệp sẽ tìm đến các thị trường trọng điểm còn lại. 

Lúc đó tôm Ecuador sẽ mạnh mẽ hơn ở EU lẫn Trung Quốc, tôm Indonesia sẽ cạnh tranh quyết liệt tôm Việt Nam ở Nhật Bản. Tôm Việt đứng thứ hai ở EU, như vậy hai thị trường lớn tôm Việt sẽ bị xâm lấn đáng kể. 

Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc mua thêm nhiều tôm giá rẻ từ Ecuador, ít nhiều làm giảm giá lẫn lượng tôm mua từ Việt Nam. Điều này sẽ vẫn xảy ra ngay cả khi mặt hàng tôm bán sang Trung Quốc khá đặc thù là tôm sú và tôm thẻ chân trắng luộc chín. 

Mặc dù vậy, áp lực đối với ngành tôm trước thông tin ASPA gửi đơn kiện là không nhiều. "Điều cần làm là giải quyết khó khăn nội tại. Đó là tìm giải pháp chống đỡ bệnh trên tôm nuôi, kiểm soát tôm giống chặt chẽ, tìm mọi nguồn đầu tư thủy lợi cho nuôi tôm… Tất cả việc này nhằm nâng cao tỷ lệ nuôi thành công. Và đó là sức cạnh tranh mạnh mẽ cần làm nhất hiện nay", Chủ tịch Sao Ta nói.

Theo VASEP, Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9 – đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23%.

 

THY HẰNG

https://diendandoanhnghiep.vn/tom-viet-lai-dinh-khoi-kien-doanh-nghiep-phai-lam-gi-253533.html

Trang 1 trong tổng số 4 trang (48 tin)