DIENDANDOANHNGHIEP.VN Kết quả thương mại tích cực đã được thể hiện trong quý 3/2023, khẳng định rõ xu hướng phục hồi của xuất khẩu Việt Nam. Dệt may có nằm trong nhóm ngành triển vọng?
Hàng may mặc (dệt may) được chia làm 3 mảng sợi – vải – may. Trong đó, thế mạnh của Việt Nam nằm ở 2 mảng: sợi và may.
Ngành dệt may kỳ vọng phục hồi và tăng mạnh đơn hàng trong quý 4/2023 và cả 2024
Mảng sợi
Thị trường xuất khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, vì vậy ảnh hưởng của thị trường này lên các doanh nghiệp sợi của nước ta là rất lớn.
Nhu cầu cho các mặt hàng ngành dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết, do đó kỳ vọng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) đã sôi động hơn kể từ quý 2, và sẽ phục hồi mạnh vào 2 quý cuối năm của 2023.
Tại thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu xơ sợi sang Trung Quốc của Việt Nam trong 6 tháng 2023 giảm 20,7% so với cùng kỳ, đạt mức 1,04 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị được ghi nhận trong quý2/2023 đã tăng mạnh 42,1% so với quý trước và đạt 610,7 triệu USD, nhích nhẹ so với con số của cùng kỳ năm 2022 (đạt 609,7 triệu USD).
Chúng tôi kỳ vọng xơ sợi sẽ có kết quả tốt trong quý cuối năm, nhờ:
Thứ nhất, nhu cầu phục hồi toàn ngành may mặc, mảng sợi (thượng nguồn ngành) là mảng đầu tiên phục hồi khi các doanh nghiệp dệt, may tăng cường nhập hàng để phục vụ sản xuất kịp thời cho chu kỳ phục hồi của ngành. Đơn hàng của các doanh nghiệp sợi đã tăng trở lại từ quý 2 và khả năng các nhà máy sẽ phủ kín công suất cho đến hết quý 4/2023.
Thứ hai, trong cơ cấu thị phần ngành sợi, sợi nhân tạo chiếm ưu thế với khoảng 60% thị phần so với 40% thị phần của sợi tự nhiên. Hiện tại, các doanh nghiệp sợi nhân tạo đang gặp áp lực lớn về chi phí đâu vào khi chip nhựa (được sản xuất từ dầu thô) đang tăng giá bởi tác động của giá dầu. Giá sợi nhân tạo POY Trung Quốc tăng cao sẽ làm hạn chế khả năng cung ứng của loại sợi này cho các doanh nghiệp dệt.
Trong khi đó, giá sợi cotton đầu vào mảng sợi tự nhiên vẫn duy trì thấp sẽ hỗ trợ cho biên lợi nhuận và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành sợi tự nhiên Việt Nam.
Mảng may
Ở mảng này, thị trường chính là thị trường Mỹ với tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc hàng năm khoảng 60%. Vậy nên những biến động của thị trường này sẽ tác động lớn đến tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam.
Kết quả kinh doanh mảng may không khả quan nửa đầu năm nhưng đã bắt đầu nhận tín hiệu phục hồi trong quý 3/2023. Với triển vọng ngành dệt may cuối năm 2023, đơn hàng của các doanh nghiệp sẽ khả quan hơn nửa đầu năm 2023 nhờ:
Trước hết, chu kỳ cắt giảm hàng tồn kho của Mỹ sắp kết thúc và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng khá mạnh trong những tháng vừa qua của quý 3.
Tăng trưởng lượng hàng tồn kho các nhà bán lẻ Mỹ (so với cùng kỳ năm 2022) đã thu hẹp trong những tháng gần đây, từ mức đỉnh 28,1% YoY của tháng 11/2022 đã thu hẹp còn 2,7% của tháng 7/2023. Chúng tôi dự báo chu kỳ cắt giảm hàng tồn kho của các công ty như Walmart, Target, Nike,… đang gần kết thúc và đơn hàng sẽ đến với các doanh nghiệp may mặc gia công Việt Nam nhiều hơn trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, chi tiêu người tiêu dùng dần hồi phục trong nửa cuối 2023 và các nhãn hàng bắt đầu chuẩn bị cho vụ xuân hè 2024 từ quý 4/2023.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) tháng 8 đạt 98,6 ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Cùng với đó, đây cũng là thời điểm các nhãn hàng bắt đầu chuẩn bị cho vụ cuối năm 2023 và năm 2024, nhu cầu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tăng lên và đơn hàng của các doanh nghiệp cũng sẽ chứng kiến sự gia tăng.
Chúng tôi đánh giá xuất khẩu Việt Nam những tháng cuối năm xuất nhập khẩu sẽ phục hồi khá tốt, nhưng sẽ không quá bứt phá do nhu cầu thế giới vẫn còn yếu. Nhà đầu tư xem xét theo dõi một số ngành có triển vọng mạnh mẽ hơn như thủy sản, dệt may – vốn đã xuất hiện những động lực tăng trưởng tương đối rõ ràng cho sự phục hồi của doanh nghiệp.
PHẠM HOÀNG QUANG KIỆT - Phòng Nghiên cứu Phân tích FIDT
https://diendandoanhnghiep.vn/xuat-khau-phuc-hoi-nganh-det-may-huong-loi-va-phan-hoa-252074.html