Kể từ đầu năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh đã khởi sắc, nền kinh tế đang phục hồi với những chỉ số kinh tế vĩ mô hết sức ấn tượng. Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, gần đạt mức 6,98% cùng kỳ của năm 2019 (trước đại dịch); lạm phát được kiềm chế (CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%); tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động là 2,39%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo cả năm 2022 tăng trưởng GDP có thể đạt 8%.

Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường lao động Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022 vẫn còn chậm, trong khi đó lại xuất hiện những vấn đề mới về đảm bảo cung ứng lao động, những khó khăn của người lao động do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các DN phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quan hệ lao động, tăng chi phí tiền lương... Yêu cầu của người lao động về điều kiện làm việc tốt hơn, bao gồm cả tăng lương dẫn đến nguy cơ tranh chấp lao động tại nơi làm việc. Tháng 4/2022, Hội đồng tiền lương quốc gia đã đề xuất với Chính phủ phương án tăng 6% lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp từ 01/7/2022 đến hết 31/12/2023 đã gây ra những ý kiến khác nhau.
Mục tiêu tổng thể của nghiên cứu này là tìm hiểu sâu hơn về thực trạng, thách thức mà các DN đang phải đối mặt liên quan đến tình hình lao động và việc làm để từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách của VCCI với Chính phủ nhằm hỗ trợ DN giảm thiểu tác động tiêu cực từ COVID - 19 và thích ứng tốt hơn và nhanh hơn với quy phạm pháp luật lao động mới. Để đạt được mục tiêu này, nghiên cứu đã thu thập những bằng chứng cập nhật nhất về tình hình lao động, việc làm tại các các DN; những khó khăn và vấn đề đặt ra về lao động việc làm đối với sự phụ hồi và phát triển của DN; những giải pháp mà DN đang áp dụng, định hướng sắp tới và kiến nghị với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Tải Báo cáo TẠI ĐÂY
Download English Ver HERE