Thúc đẩy việc làm thỏa đáng tại các doanh nghiệp điện tử, hướng tới tương lai bền vững của chuỗi cung ứng ngành điện tử.
Jul 15 2022 13:00 GMT+7
Sáng ngày 15/7/2022. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn ngành Điện tử - Việc làm thỏa đáng và tương lai của chuỗi cung ứng điện tử tại Việt Nam
DIễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất thế giới. Đây là ngành kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn và tạo việc làm cho khoảng một triệu lao động trong cả nước. Trong thời gian vừa qua, đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành điện tử. Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo lực lượng lao động gắn kết, năng suất ổn định và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp sản xuất là ưu tiên hàng đầu.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn ngành Điện tử
Đến tham dự Diễn đàn có Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI; Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam; Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO tại Việt Nam; Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI; Bà Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Chương trình/ ILO; Bà Trần Thị Hồng Liên; Phó giám đốc, Văn phòng Giới sử dụng lao động/ VCCI, Ông Casper Edmonds, Trưởng phòng, Ban Chính sách ngành/ ILO Geneva; Ông Nguyễn Xuân Tường – Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương/ Bộ LĐTBXH; Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên BCH, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban, Ban Quan hệ lao động – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Ông Dong Eung Lee, Chuyên gia cao cấp về Hoạt động giới sử dụng lao động, Nhóm Việc làm thỏa đáng của ILO hỗ trợ khu vực Đông Á và Đông Nam Á Thái Bình Dương; đại diện các Viện nghiên cứu, Trường đại học và đại diện doanh nghiêp và các cơ quan báo chí.
Diễn đàn nhằm chia sẻ thông tin cập nhật về ngành điện tử tại Việt Nam cũng như thúc đẩy kết nối mạng lưới và tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các tổ chức đối tác trong và ngoài nước, các công ty đa quốc gia và doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam nhằm hướng tới tăng cường năng lực tham gia chuỗi cung ứng ngành điện tử bền vững.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết: “Ngành điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp với số lượng lao động trên 1 triệu người. Việt Nam hiện là nơi đặt nhà máy của nhiều hãng công nghệ, điện tử lớn với số vốn lên đến hàng tỷ USD. Trong giai đoạn đại dịch Covid -19, hoạt động xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh do nhu cầu thị trường tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử lên tới gần 96 tỷ USD vào năm 2020 và hơn 108 tỷ USD năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu điện tử lên tới hơn 56.8 tỷ USD (tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái), Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất thế giới và ngành công nghiệp này tiếp tục phát triển mạnh, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.”
Phó Chủ tịch VCCI cũng đánh giá cao sự hợp tác của ILO trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điện tử tại Việt Nam có thể đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh liên tục trong giai đoạn vừa qua, tăng cường tuân thủ và thực hành lao động có trách nhiệm xã hội, tiếp tục duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất sau đại dịch.
“Một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt là những biến động lớn về lao động, trong đó có sự suy giảm và thiếu hụt lao động, việc thu hút người lao động trở lại làm việc, tạo ra việc làm thỏa đáng đang là một bài toán khó được đặt ra. Đây không chỉ là nỗi lo của riêng người sử dụng lao động, doanh nghiệp, của tổ chức công đoàn, mà còn là mối quan tâm chung của Chính phủ, các cơ quan quan lý nhà nước và toàn xã hội.”
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biêt thêm:
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam
Tại Diễn đàn, Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho biết: “Việt Nam có thể phát triển bền vững ngành điện tử thông qua đầu tư hợp lý vào cải thiện điều kiện làm việc thỏa đáng, bao gồm thúc đẩy đối thoại xã hội cũng như tham gia vào các chương trình tăng cường tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc”, đồng thời cũng nhận định: “Việt Nam có thể phát triển bền vững ngành điện tử thông qua đầu tư hợp lý vào cải thiện điều kiện làm việc thỏa đáng, bao gồm thúc đẩy đối thoại xã hội cũng như tham gia vào các chương trình tăng cường tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc”.
Trong thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục phối hợp với ILO và các cơ quan liên quan để thúc đẩy việc làm thỏa đáng tại các doanh nghiệp điện tử, hướng tới tương lai bền vững của chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam.