Ngày 15/11, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị Báo cáo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố (DDCI) tỉnh Hậu Giang năm 2020.
Cùng với các tỉnh trong cả nước và các tỉnh khu vực ĐBSCL, đây là năm thứ 2 tỉnh Hậu Giang hoàn thành Báo cáo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố với mong muốn tìm kiếm các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Tỉnh ngày một tốt hơn. Năm nay, tỉnh Hậu Giang mở rộng đối tượng khảo sát đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh để đo lường các chỉ số thành phần của PCI; trong đó, sở ngành đo lường 07 chỉ số thành phần, địa phương đo lường 08 chỉ số thành phần. Bên cạnh đó, các tiêu chí nhỏ được đào sâu hơn nhằm tìm kiếm khó khăn của doanh nghiệp để đánh giá, phản ánh một cách toàn diện hơn về chất lượng điều hành của địa phương.
Quang cảnh Hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tỉnh Hậu Giang trong năm 2020
Kết quả cho thấy, điểm số, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị của tỉnh Hậu Giang trong năm 2020 đã có sự cải thiện đáng kể. Cụ thể, đối với cấp sở, ngành có 8 đơn vị được xếp nhóm khá, tăng 5 đơn vị so với năm 2019, trong đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương có tổng số điểm đạt cao nhất, đây là những sở, ngành có nhiều chức năng, nhiệm vụ đối với doanh nghiệp. Ở cấp độ địa phương, có 3 đơn vị được xếp vào nhóm khá, các địa phương đều có nỗ lực nhất định, trong đó 4 địa phương xuất sắc hơn là huyện: Vị Thủy, Châu Thành A, huyện Long Mỹ và TP. Vị Thanh. Kết quả này cho thấy, sự đồng bộ trong nỗ lực cải thiện năng lực phục vụ cộng đồng doanh nghiệp của Tỉnh.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu VVCI Cần Thơ, năm 2020 tỉnh Hậu Giang có 5/8 chỉ số thành phần được địa phương thực hiện tốt, có sự cải thiện về điểm số, đó là tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của lãnh đạo địa phương; tiếp cận đất đai dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và tại 4 đơn vị cấp huyện thực hiện tốt, dẫn đầu trong nhóm chất lượng điều hành, các doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020, hoặc nếu có giảm doanh thu cũng giảm rất ít. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 30% doanh nghiệp được khảo sát chưa hài lòng về 3 chỉ số thành phần là: Cạnh tranh bình đẳng; Chi phí không chính thức và Chi phí thời gian…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho rằng với sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế và Bộ chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh và cấp huyện cho thấy vấn đề này được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đây là tín hiệu tốt trong cách thức tiếp cận, kết quả đánh giá phản ánh toàn diện hơn, là cơ sở để tỉnh điểu chỉnh kế hoạch điều hành, cùng doanh nghiệp phục hồi kinh tế.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh ghi nhận sự tham gia ý kiến, đánh giá DDCI của Hậu Giang
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện tập trung thực hiện tốt việc công bố công khai thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch của các ngành, các cấp, công khai quy trình, thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính khác, điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai thực hiện và hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Bộ chỉ số DDCI của các sở, ngành, địa phương; chủ trì, phối hợp vơi VCCI Cần Thơ cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh những năm tiếp theo; đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc đánh giá và đề ra chiến lược phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
An Nhiên
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Hậu Giang