Dệt may và da giày là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai cũng như của cả nước. Vài năm trở lại đây, với Hiệp định thương mại tư do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và nhiều hiệp định khác mà Việt Nam đang và sắp tham gia, hai ngành này càng có nhiều cơ hội mở rộng quy mô, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là nhân công, năng suất lao động. Để tồn tại, thích ứng và phát triển, các doanh nghiệp này đang từng bước thay đổi chiến lược, đổi mới công nghệ, đầu tư vào nhân lực nhằm tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh.
Dịch chuyển lao động, dịch chuyển nhà máy
Hai năm trở lại đây, tình hình dịch chuyển lao động giữa các tỉnh, thành miền Nam với miền Bắc, miền Trung và dịch chuyển lao động giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, da giày sang một số ngành nghề, công việc mới tương đối lớn. Điều này đang là thách thức với các doanh nghiệp trong chiến lược phát triển lâu dài.
Ông Hồ Tăng Anh Tuấn, Phụ trách nhân sự Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch) cho rằng, với tỷ lệ dao động khoảng 5%, vấn đề dịch chuyển và biến động lao động đang là bài toán nan giải với doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp bằng nhiều cách tuyển được khoảng 1.000 lao động mới, tuy nhiên, số lao động nghỉ việc xin chốt sổ bảo hiểm, nghỉ thai sản cũng tương đương, thậm chí vượt số tuyển vào. Do vậy, doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như đón nhận các đơn hàng mới.
Tương tự, đây cũng là vấn đề tại Công ty TNHH NamYang International Việt Nam (khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa). Trong một hội nghị liên quan đến lao động trong doanh nghiệp dệt may mới đây, ông Nguyễn Tiến Thịnh, Chủ tịch CĐCS cho biết, vài năm trở lại đây công ty luôn trong tình trạng thiếu lao động. Việc các doanh nghiệp thay đổi chiến lược xây dựng chi nhánh về nơi có nguồn nhân lực địa phương, các nhà đầu tư lựa chọn vùng đất mới thay vì những tỉnh, thành công nghiệp đã tạo nên dòng dịch chuyển lao động từ các tỉnh miền Nam, trong đó có Đồng Nai ra miền Bắc, miền Trung. Trung bình mỗi năm công ty có khoảng từ 500 - 800 lao động dịch chuyển. Thời điểm NLĐ nghỉ việc nhiều nhất thường là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. “Cách đây 3 năm, NamYang có 3.000 lao động, doanh nghiệp chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, thế nhưng hiện tại công ty chỉ còn khoảng 1.200 lao động. Chiến lược, việc tiếp nhận đơn hàng đều bị ảnh hưởng”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Trước những khó khăn chung của các doanh nghiệp, Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp trong ngành cần có những giải pháp khắc phục nhược điểm chi phí nhân công bằng việc dịch chuyển nhà máy về các vùng có nguồn nhân lực dồi dào để hạ chi phí sản xuất. Cùng với đó, quan tâm đầu tư cho nhân lực, máy móc để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Trên thực tế, để nắm bắt xu hướng này và mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh đã thực hiện dịch chuyển nhà máy đến nơi có nhân công như Công ty TNHH Hwaseung Vina mở nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu; Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial mở nhà máy tại Tiền Giang, Kiên Giang; Công ty TNHH Changshin Việt nam mở nhà máy tại các huyện Long Thành, Tân Phú...
Một khâu tự động hóa trong sản xuất tại Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial.
Đại diện Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial cho rằng, nếu như nhiều năm trước, công ty không tính toán đến giải pháp này thì hiện tại chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị “cháy” đơn hàng do sản xuất không kịp, không tuyển dụng đủ lượng lao động cần thiết.
Đầu tư cho công nghệ, đầu tư cho con người
Bên cạnh sự tác động của dịch chuyển lao động, tăng lương hằng năm, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và internet được dự báo đặt ra nhiều thách thức với một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Để không bị đánh mất cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã và đang quan tâm nhiều hơn đến đầu tư công nghệ, đầu tư cho con người, tạo nguồn nội lực vững chắc.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến Ngô Thị Mãnh cho rằng, để cạnh tranh được với các doanh nghiệp, các tập đoàn nước ngoài trên chính thị trường nội địa, các xí nghiệp may của công ty đã từng bước áp dụng công nghệ mang tinh thần của công nghiệp 4.0 thông qua việc thành lập các dự án phát huy khả năng của NLĐ bằng thúc đẩy và khuyến khích cải tiến thiết bị, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất dệt may, áp dụng phần mềm trong quản lý sản xuất... Tuy nhiên, việc áp dụng công nghiệp 4.0 với doanh nghiệp không thể thực hiện trong một sớm một chiều, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trọng tâm là cơ sở vật chất hiện có của doanh nghiệp, khả năng tài chính và năng lực để vận hành công nghệ của đội ngũ NLĐ.
Công nhân Công ty cổ phần Đồng Tiến trong giờ làm việc
“Việc áp dụng công nghệ 4.0 với ngành Dệt may có những đặc thù, do đó cần phải có thời gian để chuẩn bị, trong đó, trọng tâm vẫn là đội ngũ lao động để làm sao có thể kết hợp khéo léo giữa bàn tay, khối óc với công nghệ hiện đại. Tôi không kỳ vọng robot sẽ thay thế công nhân lao động nhưng hy vọng NLĐ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động nâng cao tay nghề chuyên môn để có thể ứng dụng và làm chủ công nghệ”, bà Mãnh chia sẻ.
Bà Châu Bá Cầm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt Texhong cho rằng, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm tối đa sử dụng lao động, chi phí về mặt bằng, nhà xưởng, mà còn bố trí quản lý một cách khoa học, đặc biệt giải quyết được điểm yếu của ngành dệt nhuộm về môi trường nhờ triệt tiêu được lượng lớn khí thải, nước thải và chất thải rắn. Ngoài ra, công nghệ mới còn giúp doanh nghiệp rút ngắn phần lớn thời gian sản xuất, nhờ đó bắt kịp với xu hướng của thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm... Do đó doanh nghiệp đang và sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Bên cạnh thay đổi bước đầu về công nghệ máy móc để chuyển sang tự động hóa một số khâu trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày lớn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm hơn đến nâng cao tay nghề giúp NLĐ có khả năng thích ứng được với công nghệ. “Thay đổi theo tinh thần công nghiệp 4.0 doanh nghiệp không chỉ đơn thuần có nguồn vốn lớn mà cần phải chuẩn bị ít nhất vài năm. Trong đó nhân sự là quan trọng nhất. Để sử dụng được công nghệ mới, doanh nghiệp cần phải có nguồn nhân sự có khả năng tiếp nhận và khai thác công nghệ. Nguồn nhân sự này lấy từ đâu? Từ chính những anh chị em công nhân đã và đang thuần thục mọi công đoạn. Vì vậy, NLĐ thay vì bỏ công việc cũ để tìm kiếm cơ hội mới mà chưa biết đến kết quả ra sao hãy tập trung nâng cao tay nghề và các kỹ năng nghề nghiệp. Có nó, NLĐ không phải lo lắng bị 4.0 hay 5.0 đào thải”, ông Nguyễn Ngọc Nở, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH United Sweethearts Việt Nam (một doanh nghiệp dệt may ở huyện Nhơn Trạch) khẳng định.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất trong tất cả các ngành nghề là điều tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, trong điều kiện thực thế hiện nay, mới chỉ ít doanh nghiệp áp dụng tự động hóa ở một vài khâu của quy trình sản xuất. Việc thay đổi để thích ứng cần phải có thời gian, có kinh phí và đặc biệt là phải có nguồn nhân lực đáp ứng để vận hàng. Do vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến tay nghề, trình độ NLĐ, đây mới là nhân tố quan trọng để quyết định năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ tại hội nghị liên quan đến lao động ngành dệt may mới đây, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho rằng, để chủ động được nguồn nhân lực cho sản xuất, các doanh nghiệp cần có nhiều biện pháp, cách làm cụ thể để giữ chân NLĐ. Trong đó, cần đảm bảo các vấn đề lương, thưởng, chế độ làm thêm giờ, phụ cấp thâm niên... Ngoài ra, CĐCS chủ động thương lượng với chủ doanh nghiệp thực hiện nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. Qua đó, giúp NLĐ an tâm gắn bó, đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp.
Liên quan đến những thách thức với NLĐ trước tác động của công nghệ 4.0, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng, thực tế hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang “khát” lao động, vấn đề tuyển dụng lao động không còn đơn giản như vài năm trước. Do đó, các CĐCS ngoài quan tâm chăm lo đời sống NLĐ cũng tác động, thương lượng với chủ sử dụng lao động tạo điều kiện và hỗ trợ NLĐ học tập nâng cao trình độ, tay nghề đáp ứng yêu cầu công việc. Với vai trò là tổ chức đại diện cho NLĐ, Công đoàn các cấp sẽ nỗ lực vận động doanh nghiệp và bằng nguồn kinh phí hoạt động của tổ chức có các hình thức hỗ trợ NLĐ học tập, nâng cao tay nghề.
H. Lộc
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai