Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được góp sức triển khai mua và tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 với Chính phủ tại thời điểm hiện tại, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” như Chính phủ đề ra.
Cuộc họp trực tuyến thu hút đông đảo các đại diện doanh nghiệp, hiệp hội cả nước.
Chiều ngày 28/5, tại trụ sở của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch thường trực VCCI Hoàng Quang Phòng cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước tham gia họp trực tuyến xoay quanh vấn đề xã hội hóa vắc xin.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng lây lan nhanh tại một số địa phương, khiến nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp phải ngừng hoạt động, tác động rất lớn không chỉ tới tình hình sản xuất kinh doanh trong nước cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, việc tiêm chủng vắc xin trở thành yếu tố then chốt để duy trì sản xuất và kinh doanh trong hoàn cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn. Sự góp sức của cộng đồng doanh nghiệp vào những nỗ lực triển khai mua và tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 với Chính phủ tại thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sản xuất và cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, góp phần duy trì đời sống kinh tế xã hội ổn định, thực hiện “mục tiêu kép” như Chính phủ đề ra.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI chủ trì cuộc họp trực tuyến.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho biết, theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến Việt Nam sẽ mua 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. Tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng, trong đó kinh phí mua vắc xin khoảng 21.000 tỉ đồng, chưa kể chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối và tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỉ đồng.
Trong đó, ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức là 9.200 tỉ đồng.
“Đặc biệt, nhu cầu vắc xin hằng năm tăng cao khi dịch kéo dài, kinh phí sẽ mua vắc xin lớn. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân”, ông Hoàng Quang Phòng nhận định.
Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã hỗ trợ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 góp phần đẩy lùi đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Việc chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp vào những nỗ lực triển khai mua và tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 với Chính phủ tại thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sản xuất và cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Trong cuộc họp trực tuyến, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cùng VCCI đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận, đề xuất, kiến nghị về hai vấn đề chính: Thứ nhất, nhóm đối tượng ưu tiên trong chương trình tiêm vắc xin cho cộng đồng doanh nghiệp. Thứ hai, vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp như thế nào để đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng vắc-xin.
Nhóm đối tượng ưu tiên
Trình bày tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Uy, Giám đốc đăng kiểm và Ngoại vụ, Abbot Việt Nam đã đưa ra đề xuất xác định các nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam mới có quy định của Bộ Y tế về 9 đối tượng ưu tiên ở tuyến đầu chống dịch, mục số 9 có nhắc đến “các đối tượng khác” nhưng chưa được làm rõ.
Theo ông Uy, sắp tới khi lượng cung vắc xin tăng lên, Việt Nam cần có chiến lược mở rộng đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin sang các đối tượng sản xuất kinh doanh một các khoa học để thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Do đó, cần có một cơ chế cụ thể, hiệu quả để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức với Chính phủ thực hiện
Ông Uy khuyến nghị tiếp tục tiêm cho 9 đối tượng ưu tiên ở tuyến đầu của Bộ Y tế, các đối tượng còn lại được chia ra làm 3 mức độ ưu tiên tiêm vắc xin và 2 phương thức tiêm như sau:
Đầu tiên, xác định 3 mức độ ưu tiên theo quản lý rủi ro, cả về nguy cơ dịch bệnh và nguy cơ kinh tế theo các mức độ cao, trung bình, thấp.
Với nguy cơ mắc bệnh cao là các địa phương đang bùng phát dịch, với nguy cơ mắc bệnh trung bình là các địa phương có dịch nhưng đã được kiểm soát, hoặc mật độ dân cư cao. Và vùng nguy cơ mắc bệnh thấp là các địa phương còn lại.
Với nguy cơ kinh tế cao là các khu công nghiệp lớn, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu, vận tải, điện, nước, doanh nghiệp lớn. Với nguy cơ kinh tế trung bình là khu công nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp cỡ trung từ 100-500 nhân viên không trong khu công nghiệp. Và nguy cơ kinh tế thấp là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình.
“Từ đó cần phát huy sức mạnh toàn xã hội với hai mũi tấn công từ nguồn lực từ chính phủ và nguồn lực từ doanh nghiệp để nhanh chóng tiêm chủng và kiểm soát dịch bệnh. Ngân sách nhà nước không thể chi trả được hết cho mọi người dân, nên cần có cả tiêm vắc xin miễn phí và xã hội hóa (tính phí) để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Hồng Uy cho biết.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam bà Đỗ Thị Thuý Hương đã đề xuất đưa doanh nghiệp vào đối tượng ưu tiên ngay sau lực lượng tuyến đầu chống dịch (9 đối tượng) đặc biệt là các lao động ở các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ thống nhất quản lý tiêm theo thứ tự ưu tiên và cấp giấy chứng nhận tiêm vắc xin thống nhất cả nước đế giúp các doanh nghiệp có thể giao thương dễ dàng.
Dệt may gặp khó
Đại diện các doanh nghiệp dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, hiện có đến 3 triệu lao động trong lĩnh vực dệt may, da giày, với việc giãn cách xã hội và đóng cửa nhà máy diễn ra sẽ khiến các doanh nghiệp không thể giải quyết được các đơn hàng trong quý 2-3 trong năm nay.
Đặc biệt, theo ông Giang, nhiều nhãn hàng đưa ra những yêu cầu hết sức thách thức cho doanh nghiệp dệt may: “Nếu không đạt cam kết giao hàng đúng hẹn sẽ phải đền bù bằng việc giao hàng bằng máy bay”, ông Giang cho biết.
Bên cạnh đó, với tình hình dịch bệnh hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đề cập đến vấn đề tâm lý người lao động không ổn định, diễn biến tâm lý nghỉ việc lớn, ảnh hưởng đến sản xuất chung của toàn ngành.
Cùng với đó, chi phí doanh nghiệp cũng là vấn đề cần xem xét. “Mặc dù các nhà máy phải đóng cửa do dịch, hoạt động sản xuất bị đình trệ thì doanh nghiệp vẫn phải trả lương cơ bản cho lao động để giữ chân họ quay lại làm việc sau khi hoạt động sản xuất bình thường trở lại, đây là gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp” – ông Giang cho biết.
Trên cơ sở đó, ông Giang cho rằng thách thức hiện nay là phải bảo quản, lưu trữ lượng vắc xin nhập về như thế nào? Vấn đề này Bộ Y tế cần phải làm rõ, bởi nếu cứ ào ạt đưa vắc xin về thì lưu trữ, bảo quản cũng như khả năng đáp ứng tiêm chủng của lực lượng y tế ra sao?
Thứ hai, về khả năng tài chính, các doanh nghiệp tầm trung và lớn khả năng chủ động tài chính để mua vắc xin tiêm miến phí cho người lao động là điều khả thi. Nhưng ngược lại, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tài chính không đảm bảo, Nhà nước và Chính phủ cần cân nhắc làm sao để tiêm được cho người lao động một cách đồng bộ.
Thứ ba, vấn đề nếu từ giờ đến tháng 7-8/2021 nếu toàn lao động ngành dệt may chưa được tiêm vắc xin sẽ là thách thức rất lớn cho mục tiêu bền vững của ngành dệt may Việt Nam.
Bài học từ mô hình của Indonesia
Theo ông Cao Hoàng Nam, Giám đốc đối ngoại và Truyền thông Pepsi Co, mô hình chương trình “Hỗ trợ song hành vắc xin” của Indonesia đã có những mục tiêu hết sức táo bạo.
Cụ thể, Chính phủ cho phép doanh nghiệp đóng góp mua vắc xin tiêm phòng cho người lao động, với chi phí để tiêm vắc xin cho người lao động và gia đình khoảng 1,6 triệu đồng. Chương trình do KADIN (Phòng Thương mại Indonesia) và các hiệp hội doanh nghiệp phố hợp cùng Bộ Y tế triển khai. Tính đến ngày 22/5, đã có 22.000 doanh nghiệp tham gia chương trình này với hai mục tiêu chính: Thứ nhất, sẽ có khoảng 80-80 triệu người được tiêm chủng vào tháng 8-9/2021; thứ hai, đạt 2/3 dân số tiêm chủng vào 3/2022.
Về cách thức triển khai chương trình, Bộ Y tế chỉ định đầu mối là công ty và cơ sở y tế được ủy quyền để nhập khẩu và tiêm chủng. Kadin và các hiệp hội nộp danh sách tiêm cho bộ y tế, Bộ y tế sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia để đưa người được đăng ký sang danh sách khác tránh việc trùng lặp. Cuối cùng, doanh nghiệp đăng ký mua và tiêm vắc xin.
Indonesia cũng đề ra một số quy đinh khác như: chương trình này phải áp dụng các loại vắc xin khác với chương trình của Chính phủ, các vắc xin theo quy định là của được WHO, Bộ Y tế chấp thuận và chỉ định hệ thống bệnh viện tư nhân tham gia.
Theo Enternews.vn
Xã hội hóa vắc xin: Cộng đồng doanh nghiệp nói gì? | VCCI (enternews.vn)