Thủy sản

EVFTA và IPA: Doanh nghiệp không chịu đổi mới, sáng tạo sẽ thất bại

Doãn Giang July 8 2019 10:00AM GMT + 7

Với EVFTA và IPA, doanh nghiệp nào đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng thì sức ép trở thành động lực; ngược lại sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản. Việt Nam đang trở thành vùng đất lành cho các tập đoàn lớn đến đầu tư, đặc biệt là sau sự kiện chính thức ký kết Hiệp định EVFTA và IPA mới đây.



Phải nắm được "luật chơi"

 

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, thông qua việc thực thi EVFTA và IPA, các doanh nghiệp EU không chỉ được tham gia thị trường Việt Nam, mà còn là thị trường ASEAN và thị trường của các quốc gia thành viên CPTPP. Các quy định về xuất xứ hàng hóa cũng sẽ giúp cả các nhà đầu tư nước ngoài ngoài EU đầu tư vào Việt Nam để được hưởng lợi.

"Vì thế, EVFTA và EVIPA không chỉ giúp thúc đẩy đầu tư từ EU, mà còn là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh. 

Với việc ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết doanh số của họ có thể tăng gấp đôi với khả năng xuất khẩu được miễn thuế hoặc thuế rất thấp vào thị trường châu Âu. EVFTA loại bỏ tới 99% các loại thuế quan. Một số mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế dần trong vòng 10 năm. Các hàng hóa khác, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp sẽ được xóa bỏ các cả hàng rào phi thuế quan như hạn ngạch.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận định, EVFTA tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ với EU. EVFTA cũng dự kiến sẽ mở ra thị trường mua sắm và dịch vụ công cộng giữa hai bên, chẳng hạn như cho các lĩnh vực như bưu chính, ngân hàng và hàng hải.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU được dự báo tăng trưởng nhanh hơn do việc thực hiện EVFTA sẽ khắc phục được một số quan ngại của các nhà đầu tư EU như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyến và lợi ích của người lao động, môi trường và tăng trương bền vững, góp phần thực hiện định hướng, chính sách thu hút FDI chất lượng và hiệu quả hơn, phù hợp với trình độ phát triển của nước ta và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.



Sức ép đổi mới, sáng tạo

Theo phân tích của GS. Nguyễn Mại, do không phải chịu thuế nhập khẩu nên hàng hóa của EU vừa có chất lượng tốt, vừa có giá cả cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp nào đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng thì sức ép trở thành động lực đổi mới; ngược lại sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản.

Bên cạnh đó, EU quy định khá nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu. Thường áp dụng rào cản kỹ thuật, luật chống bán phá giá để hạn chế tốc độ tăng trưởng hàng nhập khẩu từ một nước. Đối với một số sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của mình, EU đòi hỏi đối tác cắt giảm hàng rào phi thuế quan, loại bỏ phương thức trợ giá của Chính phủ. EU đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc q uy định về xuất xứ sản phẩm để được hưởng thuế ưu đãi. Đây là vấn đề đã từng xảy ra đối với một số sản phẩm như thép, hàng may mặc Việt Nam cần lưu ý, GS. Nguyễn Mại chỉ rõ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về lộ trình cắt giảm thuế quan của EU và của Việt Nam với các điều kiện như tỷ lệ xuất xứ sản phẩm, điều kiện kỹ thuât, lao động, môi trường để có chiến lược dài hạn, đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, hình thành và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm và xây dựng quan hệ hợp tác với bạn hàng tại các quốc gia thành viên EU, tuân thủ nghiêm túc các quy định của EU về thương mại và đầu tư.

Ngoài ra, GS. Mại lư ý: Nhà nước cần ban hành chính sách kết nối giữa các tập đoàn kinh tế FDI với sự chủ động hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng công nghiệp hỗ trợ một số sản phẩm chủ lực, không những để nước ta trở thành công xưởng sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao của thế giới, mà còn tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn cho doanh nghiệp trong nước.

Nỗ lực vượt qua rào cản

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Đức cho rằng, Hiệp định EVFTA và IPA rất quan trọng trong việc bảo hộ cho các nhà đầu tư trong nước. Các nhà đầu tư vào Đức và châu Âu sẽ được Chính phủ bảo hộ. Qua đó, Chính phủ rất quan tâm hơn đến cải thiện công nghệ sản xuất để cạnh tranh công bằng với các nước châu Âu.

Thông qua quá trình đàm phán, Chính phủ cũng đã có nghiên cứu rõ nên sẽ có hỗ trợ doanh nghiệp (DN) về thông tin kết nối, xúc tiến thương mại. Từ các cuộc xúc tiến này sẽ trao đổi kinh nghiệm thương mại với các nước châu Âu, đó là lợi thế, ông Hùng cho hay.

Tuy nhiên, the ông Đỗ Mạnh Hùng, cái khó khăn nhất hiện nay của DN khi tham gia các hiệp định này đó là các quy chuẩn kỹ thuật của EU đối với các DN Việt Nam. Tiêu chuẩn về hàng hóa vào châu Âu vì họ là thị trường khó tính đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là  rào cản lớn. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải học hỏi nhiều kinh nghiệm sản xuất của châu Âu từ đó giúp kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên.

"Các DN cần phải nghiên cứu kỹ các hiệp định này để trên cơ sở đó tìm được điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Cơ hội lớn cho các DN là học hỏi được nhiều trình độ cũng như năng lực quản trị, công nghệ, qua đó cải thiện điều kiện sản xuất. Điểm yếu lớn nhất của DN Việt Nam đang là trình độ công nghệ, quản trị, đặc biệt là chất lượng sản phẩm của DN Việt Nam có nhiều hạn chế. Khi mở cửa hàng rào thuế quan 100%, hàng hóa Việt Nam có thể vào được ngay EU nhưng rào cản về các biện pháp kỹ thuật mới là điểm cần lưu ý", ông Hùng chỉ rõ.

Là Chủ tịch cộng đồng DN Việt Nam đầu tư tại Đức, nhưng ông Hùng cũng là một thương gia xuất khẩu các sản phẩm dệt may và nông sản. Ông Hùng cho biết, dệt may là ngành lợi thế của Việt Nam và hiện nay nhiều DN may mặc đã đặt chân vào EU.

Với chính sách thuế thuận lợi, các DN Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, đặc biệt là vào thị trường Đức. Khi các DN Việt Nam đã đạt được trình độ đến khâu thiết kế, tức là các DN đã cập nhật và tiếp cận được nhiều vấn đề tạo thuận lợi cho ngành dệt may.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, các DN dệt may cần phải đối mặt đó là sự cạnh tranh lớn từ các nước như Banglades, Ấn Độ đang đẩy mạnh vào thị trường Đức. Mặt khác, hị trường Đức là thị trường có quy chuẩn khắt khe, nên nếu sản phẩm dệt may vào được thị trường này sẽ đến được các thị trường khác ở châu Âu. Chính vì thế, các DN Việt Nam không nên đi vòng mà đến thẳng thị trường Đức khi EVFTA được ký kết.

Khi sản phẩm hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU với thuế suất bằng 0% nhưng chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật mới là quan trọng nhất. Trong vòng vài năm đầu khi Hiệp định được thực thi, chỉ cần các DN tiếp cận được trình độ khoa học công nghệ và năng lực quản trị sẽ giải được bài toán cơ bản. Các DN chưa thực sự cần bùng nổ ngay về chất lượng tăng trưởng trong những năm đầu tiên mà nên có một lộ trình khoảng 5 năm sau khi thực thi EVFTA, các DN sẽ tận dụng được hiệu quả tối đa lợi ích của Hiệp định.

Khi các DN Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế từ hiệp định thì ở chiều ngược lại, các DN châu Âu cũng sẽ tận dụng tối đa các lợi thế. Do vậy trong vòng 10 -11 năm tới, Hiệp định sẽ cân bằng và đây là một tầm nhìn dài, tưởng như sẽ rất lâu nhưng sẽ rất nhanh, nên các DN cần có sự chuẩn bị kỹ về tình độ công nghệ, năng lưc quản trị để có thể nắm bắt cơ hội, ông Hùng tin tưởng.

Theo Trần Ngọc-Nguyễn Quỳnh

VOV
Trang 1 trong tổng số 5 trang (54 tin)