An toàn vệ sinh lao động

Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp

Doãn Giang July 3 2019 10:00AM GMT + 7

Tại hội nghị đối thoại định kỳ của Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh mới đây, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay nhằm xây dựng môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu tai nạn cho người lao động.


Người lao động của Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc

Đa số ý kiến đều cho rằng, sự vào cuộc nghiêm túc của chủ doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để điều kiện làm việc của người lao động được tốt hơn.

Những cách làm hay

Anh Vũ Hải Khương, cán bộ an toàn Công ty cổ phần VinaCafé Biên Hòa (Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1) cho biết, cách đây 6 năm tại công ty xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Một công nhân trong khi đang làm việc bị rơi xuống máy xay đường và bị máy cuốn nát hoàn toàn chân trái, bộ phận sinh dục, hậu môn, vỡ bàng quang, vùng mông, xương chậu bị giập nát. Sau vụ tai nạn nói trên, công ty đã chấn chỉnh mọi hoạt động liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động. Từ đó đến nay, vấn đề này đã được kiểm soát, không để xảy ra những tai nạn nghiêm trọng.

Để có được kết quả trên, theo anh Khương, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước tiên cần phải có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo công ty. Những cán bộ phụ trách an toàn lao động sẽ xây dựng hệ thống quản lý an toàn và đưa vào hoạt động, có sự hỗ trợ của các phòng, ban trong công ty. Tuy nhiên, đối tượng chính là người lao động trực tiếp sản xuất nên cấp quản lý phải trực tiếp hướng dẫn người lao động, cung cấp kiến thức về an toàn cho người lao động để họ nắm vững và tránh được những sai sót trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tự đánh giá những rủi ro, nguy cơ tai nạn lao động có thể xảy ra ở những công đoạn sản xuất nào, ở những máy móc nào để kịp thời điều chỉnh. Hằng tháng, công ty tổ chức gặp gỡ các nhân viên phụ trách an toàn lao động để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong khi đó, tại Công ty TNHH Việt Nam Nisshin Seifun (KCN Amata, TP.Biên Hòa), hằng tháng tất cả nhân viên phụ trách công tác an toàn lao động của công ty đều được đào tạo nâng cao kiến thức. Công ty cũng áp dụng phương pháp của Nhật Bản là lường trước được mối nguy hiểm và dựa trên hoạt động của quá trình sản xuất để xác nhận xem hoạt động đó, cách làm đó là đúng hay sai, thao tác trên máy có rủi ro gì không.

Còn tại Công ty TNHH giày Đồng Nai Việt Vinh (KCN Sông Mây, huyện Trảng Bom), Ban giám đốc công ty rất chú trọng đến việc xây dựng văn hóa an toàn tại doanh nghiệp. Theo đó, Ban giám đốc công ty cam kết đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động bằng những việc làm cụ thể như: mua sắm máy móc, trang thiết bị mới, hiện đại thay thế những máy móc cũ; tuyển dụng và đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn lao động có đủ về năng lực chuyên môn. Cán bộ phụ trách an toàn lao động thường xuyên cấp phiếu hỏi để người lao động bày tỏ ý kiến, góp ý với công ty về những rủi ro mà họ gặp phải trong quá trình sản xuất. Những người lao động có ý kiến đóng góp hay, sáng tạo sẽ được lãnh đạo công ty tặng giấy khen cùng tiền thưởng hoặc hiện vật. Hằng quý, công ty tổ chức hội thi Không tai nạn lao động với nội dung xoay quanh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động để tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động đều có cơ hội tham gia. Qua hội thi, kịp thời khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt.

Anh Phạm Quốc Khánh, nhân viên phụ trách an toàn lao động Công ty TNHH giày Đồng Nai Việt Vinh cho biết, với những việc đã làm, từ năm 2014 đến nay, số ca tai nạn lao động tại công ty giảm đáng kể cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn. Công ty đưa ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ không có bất kỳ tai nạn lao động nào xảy ra trong quá trình sản xuất.

Bảo vệ người lao động

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho rằng, những năm qua, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra khá nhiều. Trong đó, số ca tai nạn lao động nặng, làm chết người phần lớn tập trung ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có hoạt động phức tạp. Mặc dù Sở Lao động - thương binh và xã hội cùng Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp như: tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện công tác an toàn, vệ sinh lao động; thanh tra, kiểm tra, xử lý, khen thưởng, động viên các doanh nghiệp làm tốt hoặc chưa tốt nhưng tai nạn lao động vẫn xảy ra.


Cán bộ các sở, ngành thăm hỏi người lao động của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) về điều kiện, môi trường làm việc tại doanh nghiệp

“Khi tai nạn xảy ra, người lao động là đối tượng phải gánh chịu nhiều hậu quả nhất, đặc biệt là về sức khỏe. Nhiều người trở thành tàn phế suốt đời, phải sống dựa vào gia đình, xã hội. Do đó, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là nhiệm vụ bắt buộc mà tất cả các doanh nghiệp có sử dụng lao động đều phải thực hiện” - ông Cộng nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Long Sơn, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội tỉnh), trong 5 tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi tháng cơ quan bảo hiểm tiếp nhận và lập thủ tục giải quyết chế độ tai nạn lao động cho 90 trường hợp (cao hơn 20 trường hợp so với năm 2018). Trong đó có 10% hồ sơ hưởng trợ cấp hằng tháng, còn lại là hưởng chế độ một lần.

“Trực tiếp tham gia hội đồng giám định y khoa của tỉnh, tôi cảm thấy rất xót xa cho nhiều người lao động còn rất trẻ tuổi nhưng đã bị mất sức lao động gần như 100% do bị tai nạn lao động tại doanh nghiệp. Do đó, nếu có người lao động bị tai nạn lao động, đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng lập hồ sơ để giới thiệu ra hội đồng giám định y khoa để hội đồng tiến hành giám định, kịp thời giải quyết chế độ, hỗ trợ cho người lao động, tránh trường hợp doanh nghiệp lập hồ sơ chậm trễ gây thiệt thòi đến quyền lợi cho người lao động” - ông Sơn cho hay.

 

Theo Hạnh Dung/ Báo Đồng Nai

Trang 1 trong tổng số 4 trang (48 tin)