Dệt may

Chương trình Việc làm tốt hơn Better Work cho các doanh nghiệp Dệt may tại Việt Nam

Doãn Giang August 2 2018 16:00AM GMT + 7

Ngày 2 tháng 8 năm 2018, tại Hà Nội, Văn phòng Giới sử dụng lao động (BEA/VCCI) chủ trì cuộc họp nhóm Doanh nghiệp nòng cốt chương trình Better Work lần thứ 4.



Các đại biểu tại cuộc họp



Từ năm 2009, Better Work Việt Nam (BWV) đã hợp tác với người lao động, chủ doanh nghiệp và Chính phủ nhằm cải thiện điều kiện lao động và thúc đẩy tính cạnh tranh trong ngành may mặc Việt Nam.

 

Better Work Việt Nam cung cấp cho doanh nghiệp trong ngành may mặc một chương trình đánh giá toàn diện để xác định mức độ cải tiến chung của từng doanh nghiệp trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế và luật lao động quốc gia. Các kết quả đánh giá được kết hợp với sự tự chuẩn đoán của mỗi doanh nghiệp về những khó khăn mà họ đang gặp phải, nhằm cung cấp một hình ảnh trung thực và toàn diện về sự thành công, các tiến bộ tiêu biểu và đồng thời những vấn đề cần tiếp tục khắc phục.

 

Ngày 2 tháng 8 năm 2018, tại Hà Nội, Văn phòng Giới sử dụng lao động (BEA/VCCI) chủ trì cuộc họp nhóm Doanh nghiệp nòng cốt chương trình Better Work lần thứ 4. Cuộc họp tập trung thảo luận các vấn đề về Mô hình quản lý, phân cấp doanh nghiệp của BWV. Thông qua cuộc họp, các đại biểu là đại diện cho các doanh nghiệp chia sẻ những lợi ích, khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn trở thành doanh nghiệp cấp độ 2 (Doanh nghiệp tuân thủ tốt các tiêu chuẩn lao động của Việt Nam và Quốc tế).

 


Các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi tại cuộc họp

 

Tại cuộc họp, các đại biểu đều thống nhất, Chương trình Better Work đã giúp

các nhà máy may mặc tạo ra nhiều việc làm chất lượng, đồng thời các chính sách đãi ngộ người lao động tốt có tác động mạnh mẽ giúp trao quyền cho phụ nữ và mang lại những lợi ích lâu dài cho họ, gia đình và cả cộng đồng. Các đại biểu thẳng thắn thừa nhận rằng việc cải thiện điều kiện làm việc không ảnh hưởng nhiều đến chi phí cho hoạt động kinh doanh; nhà máy thực sự có thể thực hiện được. Qua việc theo dõi các nhà máy tại Việt Nam, sau bốn năm tham gia BWV, lợi nhuận trung bình các doanh nghiệp tăng thêm 25%.

 


Đại biểu trình bày những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp

 tại phiên thảo luận

 

Chương trình Better Work, sáng kiến chung của ILO và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), một thành viên của Ngân hàng Thế giới, bắt đầu hoạt động từ năm 2009 hướng tới mục tiêu cải thiện điều kiện lao động và nâng cao tính cạnh tranh trong các chuỗi cung ứng may mặc toàn cầu. Làm việc với hơn 50 nhãn hàng quốc tế, chương trình thiết lập mối quan hệ đối tác với khách hàng trong chuỗi cung ứng, cũng như hỗ trợ nhà máy nâng cao năng lực thông qua dịch vụ tư vấn và đào tạo. Hiện tại chương trình đang hoạt động ở 7 quốc gia: Việt Nam, Bangladesh, Cam-pu-chia, Indonesia, Jordan, Haiti và Nicaragua.    


Chương trình Better Work tại Việt Nam được sự tài trợ của Chính phủ các nước Ireland, Bộ Ngoại giao Hà Lan, Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO), Bộ Phát triển Việc làm và Xã hội Canada (ESDC), Bộ Lao động Hoa Kỳ (USDOL). Hiện tại có 535 nhà máy may mặc tham gia chương trình, 70% nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam (tại TPHCM và các tỉnh lân cận), 167 nhà máy tham gia ở phía Bắc. Chương trình đang hỗ trợ cho 739,736 công nhân tại nhà máy, trong đó 80% là công nhân nữ. BWV đã đào tạo cho hơn 40,623 công nhân, chuyền trưởng và cấp quản lý nhà máy (tính từ năm 2009). BWV đã thực hiện đánh giá tại 499 nhà máy, 526 nhà máy đã/đang nhận sự tư vấn từ chương trình.


Doãn Giang

Trang 1 trong tổng số 4 trang (42 tin)