Ngày 21/7, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp cùng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo “Luật pháp và cơ sở dữ liệu, hệ thống thống kê, báo cáo về ATVSLĐ trong ASEAN”. Ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TBXH) và ông Change-Hee Lee – Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự còn có các chuyên gia đến từ các nước thành viên mạng lưới ASEAN-OSHNET, Tổ chức lao động quốc tế ILO, Ban phòng ngừa mỏ quốc tế ISSA-Mining cùng các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong Kế hoạch hành động của các quốc gia thành viên ASEAN về An toàn, vệ sinh lao động (ASEAN-OSHNET) năm 2018 và trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội An toàn vệ sinh công nghiệp Hàn Quốc (KISHA) và Tổ chức Lao động quốc tế ILO thông qua Dự án “An toàn và sức khỏe cho người lao động - An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ”.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về luật pháp và cơ sở dữ liệu, hệ thống thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động, nhằm hướng tới xây dựng văn hóa phòng ngừa an toàn, vệ sinh lao động ở các quốc gia ASEAN. Đại diện các nước ASEAN như Singapore, Việt Nam, Myanmar, Philippin, Lao, Indonesia, Campuchia, Thailan đã đưa các mô hình mà các nước đã thực hiện và các phương pháp, kinh nghiệm, công cụ, hệ thống báo cáo trong giai đoạn mới đáp ứng nhu cầu quản lý của từng quốc gia.
Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hà Tất Thắng nhấn mạnh, một yếu tố cơ bản quan trọng góp phần thành công của chiến lược phòng ngừa là phải có dữ liệu về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp kịp thời, chính xác, đặc biệt là một hệ thống báo cáo tốt. Ngoài ra, hệ thống này còn phải thực hiện tốt chức năng phân tích cơ sở dữ liệu và sử dụng kết quả thống kê, báo cáo đó để phát triển chính sách phù hợp và phân bổ nguồn lực dành cho phòng ngừa an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, trên thực tế trong công tác thống kê an toàn, vệ sinh lao động nói chung và tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập”. Chương trình ATVSLĐ quốc gia giai đoạn 2016-2020, Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ, bao gồm điều tra thống kê, tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng và kiện toàn cơ sở dữ liệu quốc gia về ATVSLĐ.
Tại Hội thảo, ông Chang Hee Lee- Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, ASEAN đang bước vào giai đoan dân số vàng, cơ hội việc làm cho người lao động trẻ rất lớn nhưng đi kèm với đó là rủi ro cao vì người trẻ thiếu kỹ năng, ít hiểu biết về quyền của mình trong khi làm việc. “Lao động trẻ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các vụ tai nạn lao động, nguyên nhân chính là do tuổi tác và kinh nghiệm. Do đó ASEAN cần có dữ liệu về tai nạn lao động” – ông Chang Hee Lee cho hay.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng, ASEAN cần có dữ liệu về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một cách kịp thời, chính xác để cùng nhau đưa ra chiến lược phòng ngừa. Để đạt được điều đó, mỗi nước phải có một hệ thống báo cáo khoa học. Hệ thống này phải thực hiện tốt chức năng phân tích cơ sở dữ liệu và sử dụng kết quả thống kê, báo cáo để phát triển chính sách phù hợp và phân bổ nguồn lực dành cho phòng ngừa tai nạn lao động và thương tích.
Theo molisa.gov.vn