Dệt may

Nhiều doanh nghiệp Ấn độ tìm cơ hội đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam

Doãn Giang Dec 28 2017 12:00AM GMT + 7

Các doanh nghiệp tại Ấn Độ đang tìm cơ hội đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) chuẩn bị được ký kết và phê chuẩn.

Ngày 28/12/2017, tại Hà Nội, các đại diện ngành dệt may Ấn độ sang thăm và làm việc với Văn phòng Giới sử dụng lao động (BEA) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về xúc tiến xuất nhập khẩu ngành dệt may tại thị trường Việt Nam. Buổi họp có sự tham gia của đại diện Văn phòng Giới sử dụng lao động; Bộ Lao động và Việc làm Ấn Độ; Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Ấn Độ; doanh nghiệp dệt may nhỏ, siêu nhỏ;  Hội đồng xúc tiến xuất nhập khẩu ngành Dệt may; Hiệp hội xuất khẩu; các cố vấn Thương mại ngành Dệt may tại Ấn Độ.

 

 

Toàn cảnh cuộc họp

 

Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến ngành Dệt may, hiện nay, Ấn Độ có 15% sản lượng sản xuất thuộc lĩnh vực dệt may, 40% tỷ trọng xuất khẩu dệt may, 40 triệu lao động tại Ấn độ làm việc trong lĩnh vực này. Dệt may Ấn Độ đã phát triển được chuỗi cung ứng sản phẩm hoàn thiện và là một trong những nhà cung cấp nguyên phụ liệu, tơ sợi, vải có chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Ấn Độ sang Việt Nam trong những năm gần đây tăng trung bình khoảng 20%/năm.

Đây là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu về cách thức các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới, xúc tiến các mặt hàng xuất khẩu đặc biệt là trong ngành may mặc.


 

Ông Trần Chí Dũng – Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI

 

Theo ông Trần Chí Dũng – Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI sẵn sàng hỗ trợ các thủ tục để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tham gia các hội thảo, hội chợ, triển lãm tại Ấn Độ giúp các doanh nghiệp mở mang trình độ, tăng khả năng cạnh tranh, thích ứng với các tiêu chuẩn mới trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung nguyên phụ liệu ngoại nhập thì việc mở rộng và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Ấn Độ là một trong những giải pháp hiệu quả.

Việt Nam và Ấn Độ cần thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác trong việc đầu tư, xuất khẩu nguyên phụ liệu và hỗ trợ kỹ thuật để cùng nhau phát triển. Việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm chuyên ngành chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thêm một nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất, chia sẻ công nghệ và mô hình sản xuất, kinh doanh thành công, cùng nhau phát triển.

 Doãn Giang

Trang 1 trong tổng số 4 trang (42 tin)